Ngày xưa của mẹ bác Ta ta.

Lời tựa.

Thưa các bạn.

Mới có đầu tháng Năm mà Hà nội hôm nay nóng tới tận 36-37 độ. Cái nóng đầu mùa bao giờ cũng khó chịu hơn cái nóng giữa tháng 6.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, mình mở mail thấy có thư của bác Ta ta. Đọc một mạch từ đầu đến cuối, thấy trong người mát trở lại, không còn thấy nóng nực nữa. Chả cần phải biên tập,  vì bài viết chân thật.

Trưa nay mình đưa bài “Ngày của mẹ”  do bác Ta ta viết lên để bà con cùng đọc.

*

Các bạn thân mến.

Đề tài viết về mẹ chẳng bao giờ cũ, chẳng cần phải có cuộc phát động của Liên hợp quốc cũng viết. Ai viết cũng được, chả ai cấm, chả cần tiêu chí, tiêu chuẩn gì. Thích thì viết, viết lúc nào cũng được.

 Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi một bà mẹ đều có sự khác biệt. Nhưng các cụ giống nhau ở chỗ: Thương con.

Cho dù cách thể hiện có khác nhau, nhưng chung quy cũng chỉ làm sao cho các con đỡ khổ như cái cuộc đời của các cụ.

*

**

Dưới đây là câu chuyện viết về người mẹ của bác Ta ta, người mà chúng tôi đã có một lần gặp mặt cách đây mười ngày.

Dù muốn hay không, cuối cùng thì mẹ của chúng ta cũng là: Ngày xưa mẹ tôi……

Bài này VTN đặt tên:

Ngày xưa của mẹ bác Ta ta.

  Tác giả: Ta ta.

Thấy mọi người nói hôm nay là “Ngày của mẹ”, nên mình viết vài dòng về người mẹ yêu dấu của mình, bà mới qua đời được nửa tháng nay. Nghĩ sao, nhớ đến đâu thì viết đến đấy, cũng chả có “đầu cua tai nheo” gì cả, cụ mới đi nên cũng chưa có tâm trí nào để viết. Nhưng vì hôm nay là ngày dành cho mẹ thì viết. Thế thôi.

Mình nhớ có lần ngồi uống bia với nhau, VTN có nói với mình là “ anh là người hạnh phúc nhất trên đời đấy, từng này tuổi đầu mà vẫn còn mẹ để chăm sóc”, mình thấy đúng quá.

Ngấp nghe tuổi về hưu rồi mà mỗi sáng đi làm và đến chiều về mình vẫn còn được nói “con đi làm đây mợ ạ” hoặc “chào mợ con về” hay là “hôm nay mợ ăn gì rồi?”…, Mỗi khi đi công tác hoặc đi chơi xa về mình vẫn có thói quen mua quà cho mẹ, khi là đặc sản của những vùng miền mình đi qua, hay tấm áo, cái chăn bằng tơ tằm, vuông khăn lụa Hàng Châu TQ…như vậy không phải là người hạnh phúc nhất trần gian thì là gì?

Mình là con út, nên ngay từ bé, đã được các anh, chị chiều chuộng huống chi là ba mợ. Mình nhớ hồi bé, khi đi ngủ bao giờ mình cũng phải cầm ngón tay trỏ của mợ thì mới chịu ngủ (mình thường gọi thói quen này là “cầm ti” chứ không phải “sờ ti” đâu nhé). Hồi kháng chiến chống Pháp, tản cư về Nhã Nam, chị cả thì đi học bên Quế Lâm TQ, các chị còn lại ở nhà giúp mợ gieo lúa, trồng  khoai sắn, trồng rau … trên tinh thần tự cung cấp lấy lương thực mà ăn, bà chị sát trên mình thì trông em, mải chơi đến nỗi mình ị đùn ra, rồi tự bốc “sản phẩm” của mình bôi lên đầy mặt, khi phát hiện ra cuống cả lên đưa em ra ao để rửa thế rồi đánh rơi em xuống ao suýt chết đuối, may mợ về qua trông thấy cứu được, kết quả là chị mình bị một trận đòn ra đòn vì trông em không đến nơi đến chốn.

Lớn lên một chút đi sơ tán, học cấp II, cấp III cách xa nhà 9 km, ba mợ mình đã cho hai chị em mình cái xe đạp Mecie bằng duyara nhẹ lắm để đèo nhau đi học, cái xe đạp này và cái máy khâu Xanhgie là tiền ba mình bán được tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật mà có, nó là gia sản  của cả nhà mang được theo khi đi sơ tán. Ngày ấy túng quá bán cái máy khâu đâu được 3000 đ, tiêu cũng được một thời gian khá dài. Còn nhớ hồi đi sơ tán mẹ mình làm kế toán, là người lo cho các học sinh, sinh viên của trường CĐMTVN từ các chế độ ăn ở, học tập, nói chung là tất tật các sinh hoạt hàng ngày, nhất là các anh chị là học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc, đều được ba mợ mình chăm lo như con cái trong nhà vô cùng chu đáo, để rồi một trong những học trò tập kết ngày ấy sau này thành con rể yêu của ông bà. Cho đến tận bây giờ đã vào tuổi 70, 75 thậm chí 80 như họa sỹ HPĐ, TC, QP… mỗi Tết đến, hay mỗi khi ra Hà Nội đều gọi điện thăm hỏi hoặc đến thăm, và gọi bà bằng cái tên thân thương và trìu mến “cô Quế”.

Hết lớp 10 đi bộ đội, khi còn ở đơn vị huấn luyện hầu như tháng nào ba mợ cũng đi thăm mình ít nhất là một lần, lần nào cũng xôi, gà, bánh, kẹo, muối vùng… Nhớ có lần lên thăm mình, chắc hôm ấy nhà không còn gì vì mình thấy chỉ có mấy bìa đậu rán …mình bảo ba mợ không phải lo cho con nhiều như thế, tiêu chuẩn bộ đội của bọn con cũng không đến nỗi nào, nhưng ba mợ vẫn không chịu, nói đại ý bây giờ còn chăm được cho con, chứ mai mốt đi B, mũi tên hòn đạn biết thế nào, rồi mợ lại khóc, vậy nên có gì đều dồn hết cho cậu út… bây giờ nhớ lại thấy thương ông bà quá đi. Nhớ cái hôm đi B, chả biết tin từ đâu rằng tàu hỏa sẽ đón bọn mình bắt đầu từ ga Đõ Xá (Thường Tín), ba mợ mình đón sẵn ở đấy từ tối. 4 giờ sáng hôm sau bọn mình hành quân đến nơi, Mình đâu có biết là ba mợ mình đến chờ sẵn ở đây, bất giác nhìn xuống thấy đúng là mợ mình hớt ha hớt hải chạy từ đầu đến cuối đoàn tàu tìm mình. Mình nhảy xuống gọi “ Mợ ơi” thế rồi hai mẹ con ôm lấy nhau, mợ mình khóc quá chừng, quay lại thấy ba mình cũng đang.đi tới, rồi lại lấy xôi, gà ra nói “ăn đi con”. Mình nói nhu yếu phẩm phát cho bọn con đi B đầy đủ lắm không thiếu cái gì từ cái kim, sợi chỉ đến cái rút dép… ba mợ không phải lo gì, nhưng ông bà vẫn không chịu, bắt mình phải ăn cho bằng được, nếu không thì mang lên tàu chốc nữa cho các bạn cùng ăn. Trước ba mợ, dù đã là anh bộ đội, sao mũ, súng ống chỉnh tề mình vẫn là thằng út nhỏ bé của ông bà.

Tàu chạy, ba mợ mình còn đứng vẫy mãi dưới sân ga cho đến khi khuất hẳn. Hình ảnh này cho đến tận bây giờ mình vẫn thấy như mới xảy ra hôm qua vậy.

Chiến tranh kết thúc, năm 1975 bọn mình bị điều lên Lâm Đồng, quét Funro, cuối năm 1975 bà  vào miền Nam trên chuyến tàu biển đầu tiên xuất phát từ Hải phòng vào với hai bà chị mình ở SG rồi lại lặn lội lên tận Lâm Đồng , đến Đà Lạt bà tìm được nhà bà bạn thân di cư hồi 1954, rồi vợ chồng người bạn của bà đưa bà vào tận đơn vị cách Đà lạt 50 km thăm mình.

Năm 1976 ra Nghệ An ở vùng Qùy Trâu, Qùy Hợp, bà lại vào thăm mình mấy lần. Suốt thời gian ở trong quân ngũ, khi nào không thể đi thăm mình được thì thôi, chứ cứ có điều kiện đi được thì không chỗ nào là bà không đến thăm mình, mãi đên cuối 1976 mình được về đi học, lúc ấy bà mới thôi vất vả vì đi thăm mình. Đấy mợ mình yêu và chiều mình đến thế là cùng. Đơn giản vì trong mắt bà lúc nào mình cũng là thằng út nhỏ bé . Thế mà cũng có lúc mình đã không nghe lời, đã làm bà phải buồn phiền vì mình…

Ba mợ mình sinh được tám người con, cậu em dưới mình mất sớm nên mình nghiễm nhiên trở thành con út. Tính đến nay trong đại gia đình đã phát triển lên thành 47 người trong đó có 21 cháu và 12 chắt hiện một nửa ở SG, một nửa ở HN. Mỗi khi các con các cháu ra đông đủ thì bà vui lắm. Năm nào cũng vậy, mọi người đều tranh thủ ra thăm ba mợ mỗi năm vài lần. Nhất là từ sau khi ba mình qua đời (1998). Tết nào cũng vậy mọi người đều ra đông đủ để cả bảy anh chị em được quây quần bên mẹ.

Mấy năm gần đây, bà yếu nên mọi người càng siêng ra thăm bà hơn. Giai đoạn cuối trước lúc lìa xa cõi trần khoảng 1 tháng bà “trở tính trở nêt” do bứt rứt, khó chịu trong người, như các cụ ta thường nói “ người già như con trẻ” nên bà thường hay làm khó con cháu, trong đầu nghĩ đến cái gì thì cứ liên tục đòi cái ấy suốt cả một ngày trời, ví dụ như: luôn mồm bắt cởi tất ra (mặc dù không đi tất), hay cởi khuy áo ra rồi lại đóng khuy áo vào, bế ngồi dậy lại đòi nằm xuống…. Hỏi ra mới biết đó là bệnh rối loạn tâm thần ở người già, sau lại gọi “bố ơi”, “mẹ ơi”, “em ơi”, “Qúy ơi” (Qúy là cậu út nhà mình), mái sau lại gọi “ba ơi”… và luôn luôn phải có người ngồi bên cạnh thì mới chịu. Đêm đến mình ngồi cạnh bà, nghe thấy bà gọi “ba ơi” mình liền kể chuyện cho bà nghe:

–         Mợ nhìn thấy ba chưa?

–          Thấy rồi

–         Ba đang đón mợ về Kép đấy mợ có đi không?

–         Có .

–         Nhưng ba không biết đi xe máy, ba chỉ biết đi xe đạp thôi, nào mợ ngồi lên xe đi, ngồi chắc chưa?

–         Chắc rồi.

–         Ôm chặt lấy ba nào, ôm chưa?

–         Ôm rồi

–         Ôm chặt chưa?

–         Chặt rồi…

Cứ như thế mình đưa bà đi suốt cả chặng đường tưởng tượng từ HN lên đến Kép (Bắc Giang) nào là qua cầu Long Biên, chỗ này ngày xưa bom nó đánh sửa chũa lại nên nó xóc thì phải ôm chặt lấy ba kẻo ngã, nào là đi qua cầu phao sông Đuống nó tròng trành dễ ngã nên phải bám chặt nữa vào, nào là đi qua cánh đồng lúa ven đường, mợ có ngửi thấy mùi lúa lên đòng không? Nào là trời nắng đấy mợ đội nón lên đi, đến cây gạo ở chợ Nếnh rồi đây này, mợ có thấy hoa gạo nở đỏ rực lên không? Dốc Má đây rồi, hoa sim nở đẹp quá tím biếc cả hai bên đường kia kìa…cứ như thế mình tưởng tượng ra kể và bà thì nằm im nghe chuyện thỉnh thỏang lại “ừ”, “có”, “nhớ”… mỗi khi mình hỏi .  khi kể hết chuyện lại đòi cởi tất ra, cởi khuy áo ra…Thương lắm cơ. Các cụ ta xưa thường nói người già trước khi mất thường hay hành hạ, làm khổ con cháu để cho con cháu bực mình đến khi mất đi thì đỡ khóc không biết có phải vậy không?

Cái hôm bà qua đời, tất cả con cháu tề tựu đông đủ, chỉ còn thiếu bà chị thứ hai chưa kip ra, thế mà bà chờ cho bằng được, 13 giờ trưa chị mình ra đến nơi thì 14g30 bà mở to mắt ra nhìn tất cả các con các cháu rồi từ từ trút hơi thở cuối cùng, bà thọ 92 tuổi.

Sư thày trụ trì chùa Một cột hôm đếm làm lễ phát tang cho mẹ mình nói rằng các cụ cứ 90 tuổi đổ ra mà đi thì gọi là hồng tang, trước khi liệm để đưa bà vào áo quan mình vẫn xin được “cầm ti” mẹ một lúc, cầm ngón tay mẹ giờ đã lạnh ngắt, mình khóc và thương mẹ vô cùng…vẫn biết là “hồng tang”, bởi mẹ mình cũng quá thọ, nhưng đến tận bây giờ mình vẫn chưa quen không có mẹ trên đời này.

./.