Rét thế này. Sao nàng đứng đó giữa mây trời?

Càng đi được nhiều nơi trên đất nước này mình càng thấy đất nước mình đẹp. Đẹp vô cùng. Nếu ai đó được sống bằng cụ Bành Tổ cũng không thể đi hết cái mảnh đất hình chữ S tươi đẹp này.

Tham thế! Đòi được sống tới 800 tuổi.

Dân mình cũng như dân Tàu, từ xưa đã có nhiều trí tưởng tượng. Chỉ có hai tảng đá một tảng cao, một tảng thấp trông như người mẹ bồng con. Trên Đồng Đăng có nàng Tô thị, ở Thanh hóa gần thành phố Thanh hóa hồi trước những năm 80 cũng có ngọn núi  hình dạng tương tự nên  cũng được gọi Vọng phu, sau những năm 80 người ta phá núi lấy đá nên người mẹ bồng con đã vĩnh viễn biến mất.

Thôi thì đã có nàng Tô thị trên Lạng sơn rồi thì cần gì phải có đến hai nàng Tô thị. Một nàng đã khổ, mong những hai ba nàng Vọng Phu làm gì cho khổ thân người đàn bà và đứa con nhỏ.

Đầu những năm 90 của Thế kỷ trước. Biết  hòn Vọng phu đã đi vào câu ca dao  của đời sống dân Việt.

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh”

Nàng Tô thị Lạng sơn

Thế nhưng ông chủ mỏ đá ở Lạng sơn vẫn cho phá nàng Tô thị cùng con của nàng để lấy đá nung vôi. Chuyện xảy ra rồi  báo chí đưa tin nên người ta mới vội vàng dựng lại tượng nàng bằng xi măng để khôi phục hình tượng.

Tượng đá tự nhiên Tô thị – Vọng Phu trên Lạng sơn thì ai cũng biết, nhưng cũng có một vài cách nhìn khác nhau về hình ảnh người đàn bà ôm con đứng chờ chồng chon von trên đỉnh núi này.

*

**

Nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế- Việt kiều ở Pháp đã mô tả .

“Thương nhớ kết thành non khói trắng

Đỉnh chiều ai đứng núi chơ vơ

Áo sương đã bạc ngàn mây thẳm

Lệ đá nào xanh chiếc bóng mờ”

……

[Thi tập TRẮNG CẢ HOÀNG HÔN] Hội văn nghệ Thừa thiên – Huế1990]

*

Còn nhà thơ Bùi Hoàng Tám thì tâm tư.

Một lời nói với Vọng phu.

Về đi em

Mọi hy vọng qua rồi

Người ra đi không thể về được nữa

Trời quê mình sao nhiều mưa nắng thế

Em và con mong manh

Biết chống trả thế nào?

Về đi em

Chúng mình chờ nhau

Dẫu là đá

Dẫu không còn là đá

Nhưng con thơ trên tay em đói lả

Em hóa đá vì người

Con hóa đá vì ai?

[Bùi Hoàng Tám – Tuyển tập Thơ tình. Thái Doãn Hiểu – Hoàng Liên. Nhà xuất bản trẻ 1995]

*

Nhà thơ Tô Hoàn cũng có câu thơ viết về cái sự  chờ chồng của một người đã

“ Khi lấy anh, chị mười tám tuổi

Hai mươi năm cài then cửa chờ chồng

Hai mươi năm nước mắt đầm áo gối

Đêm nào với chị cũng là mùa đông.

Mỗi ngày nhớ mỏi mòn đôi mắt chị

Hai mươi năm mong một lá thư về

Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa

Ngọn gió đùa lừa chị giữa canh khuya.”

Tô Hoàn đã so sánh sự chờ chồng của chị giống như nàng Tô Thị. Rồi Tô Hoàn trách chị.

“Người vợ xưa chờ chồng hóa đá

Nước mắt rơi núi trắng sương mù

Chị chờ anh buồn đau hơn kiếp đá.

Ôi cuộc đời đâu cần lắm Vọng phu.”

*

**

Quan niệm của người xưa nặng về Tam tòng:

” Trung thần không thờ hai vua –  Liệt nữ không lấy hai chồng”

Chị chờ chồng chị đã đành. Chỉ mình chị là đủ lắm rồi, khổ lắm rồi.  Mình chỉ thương đứa con nhỏ của chị chẳng tội tình gì. Nó còn bé đã biết gì đâu mà chị lại làm khổ thằng bé. Gía người xưa đừng gắn với sự tích người mẹ bồng con chờ chồng thì hay hơn biết bao nhỉ?.

*

**

Mong lắm thay một bà huyện Thanh quan.

“Phó cho con Nguyễn Thị Đào

Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai.”

92 thoughts on “Rét thế này. Sao nàng đứng đó giữa mây trời?

  1. Thôi về mần chi cogai ơi
    Trời hành lâu quá sun hết rồi
    Ngày xưa bảy chàng thành mười bốn
    Nay bảy Hòa Thân, chỉ bảy thôi.
    Ôi!

  2. Làm thơ xem ra nhọc nhằn phết.
    Càng đọc thơ của cogaitinhnguỵen@ càng khâm phục nàng.
    Kính nể, kính nể.
    Xin lạy sư phụ một lạy.

Đã đóng bình luận.